Cách trồng và chăm sóc cây ổi Đông Dư
Khác với những giống ổi khác, ổi Đông Dư cho quả quanh năm. Qủa có kích thước tròn nhỏ, vỏ căng mịn. Khi chín chúng có màu vàng sáng và bóng. Ổi Đông Dư có vị ngọt thanh, mát, ăn rất giòn. Ngoài ra, trong quả ổi còn có chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể.
Cách trồng cây ổi Đông Dư
Thời vụ trồng: Cây ổi Đông Dư có thể được trồng quanh năm nhưng không cho tỷ lệ sống cao như trồng cây vào mùa xuân.
Đất trồng cây: Cây sinh trưởng tốt, cho sai quả nếu trồng trên đất phù sa, giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp và thoát nước tốt. Còn nếu trồng cây ở nơi đất khô cằn, thiếu chất dinh dưỡng thì bạn cần phải bón nhiều phân cho cây để tăng thêm dưỡng chất trong đất.
Đào hố trồng và mật độ trồng: Kích thước tối thiểu mỗi hố trồng là 60x60x60cm với khoảng cách mỗi hố khoảng 3m. Mỗi hàng cây cách nhau khoảng 4m. Để phục vụ thoát nước cho cây vào mùa mưa cần đào rãnh quanh vườn.
Tiến hành bón phân bón lót cho cây trước 1 tháng gồm đất trộn đều với phân chuồng hoai mục, phân trùn quế và vôi. Phơi ải để vôi phát huy tác dụng khử mầm bệnh và kiến mối có trong đất.
Tiêu chuẩn chọn giống cây trồng: Điều đầu tiên cần phải chú ý khi chọn cây giống là chiều cao của cây phải trên 50cm. Sau đó, xét đến cây có khỏe mạnh hay bị sâu bệnh không.
Trồng cây ổi Đông Dư: Chọn lúc thời tiết mát mẻ để trồng cây. Nếu trồng vào ngày có nắng thì nên trồng vào lúc sáng sớm và chiều mát. Rạch bỏ túi bọc bầu đất bằng kéo, cần làm nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu đất, làm đứt rễ cây. Đào một hố nhỏ rồi đặt cây giống vào. Đặt cây sao cho mặt bầu đất ngang bằng với mặt đất. Vun đất xung quanh gốc rồi đắp thành ụ đất. Cắm cọc tre giúp cố định thân cây không bị đổ khi có gió lớn. Tưới đẫm nước rồi phủ một lớp rơm hay rạ quanh gốc để giữ độ ẩm cho cây.
Chăm sóc cây ổi Đông Dư
Tưới nước: Phải đảm bảo cây luôn đủ độ ẩm để sinh trưởng và phát triển, nhất là giai đoạn cây con mới được trồng. Nguồn nước tưới đảm bảo phải sạch sẽ, không được nhiễm khuẩn hay nhiễm phèn.
Bón phân:
Năm đầu tiên: chia làm 4 lần bón phân với 100g phân NPK(12-15-18) + 50g amon sunphat.
Năm thứ 2 cũng chia làm 4 lần bón phân với 200g phân NPK(12-15-18) + 100g amon sunphat.
Năm thứ 3 trồng cây với mỗi lần bón phân bao gồm 300g phân NPK + 150g amon sunphat + 50g magie sunphat.
Từ năm thứ 4 trở đi, số lần bón phân mỗi năm tùy thuộc vào sự sinh trưởng của cây và đất trồng. Bón với lượng phân tăng thêm khoảng 15% so với năm thứ 3.
Cách bón phân cúng đơn giản thôi, trước khi bón phân bạn làm ẩm đất trước. Rải phân quanh gốc cây, cách gốc một khoảng 30cm. Tưới thêm một lần nước nữa giúp phân hòa tan ngấm vào đất. Mặt khác, bạn có thể hòa tan phân luôn trong nước rồi tưới vào gốc cây.
Làm cỏ: Định kỳ hàng năm tiến hành làm sạch cỏ dại quanh gốc cây, giúp gốc luôn được thông thoáng, lượng dưỡng chất trong đất không bị mất đi do bị cỏ hút để sinh trưởng. Vun đất quanh gốc rồi rải cỏ dại lên đó để cây không bị thoát hơi nước nhanh.
Cắt tỉa, tạo tán: Tiến hành cắt tỉa cành giúp cây cho ra các cành nhánh mới mọc đều ra xung quanh. Cây có nhiều cành nhánh sẽ cho nhiều quả với kích thước đồng đều. Trong quá trình cắt tỉa, nếu thấy cành vượt, cành sâu bệnh thì cắt bỏ ngay. Khi cây cho quả thì cũng cần cắt tỉa các quả có hình dáng dị dạng để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những qủa còn lại